Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Câu chuyện về Cựu chiến binh, thương binh LÊ VĂN KHUY ở xã Xuân Hiệp

 

Năm 1970, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương Miền Bắc và Miền Trung đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Gác lại việc học để lên đường chiến đấu, mỗi thanh niên lúc ấy đều mang trong mình một thông điệp sâu sắc, đó là tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Và đó cũng là câu chuyện của Cựu chiến Binh Lê Văn Khuy ngụ tại xã Xuân Hiệp.

Theo lời giới thiệu của ông Trần Văng Sang - Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Xuân Lộc, chúng tôi tìm đến nhà CCB- thương binh Lê Văn Khuy. Đón chúng tôi là người đàn ông với mái tóc điểm bạc, dáng cao gầy, và đôi mắt cực kỳ linh hoạt nhưng nếu không nói ra hẳn sẽ không nhiều người biết là nó đã không còn nhìn thấy rõ mọi thứ xung quanh bởi di chứng của chiến tranh. Chẳng ai nghĩ người đàn ông này đã kinh qua những năm tháng trận mạc đầy khốc liệt. Bên ấm trà nóng của những ngày đầu năm mới 2022, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về về thời khắc hân hoan khoác ba lô cùng đồng đội lên đường chi viện cho chiến trường Miền Nam chiến đấu chống kẻ thù xâm lược cũng như niềm hy vọng dẫu có mong manh là khi non sông thu về một mối sẽ lại được trở lại giảng đường để tiếp tục ước mơ còn giang dở của mình là trở thành anh kỷ sư Nông nghiệp.  Ông Khuê tâm sự: “Cuối năm 1969 tôi vừa thi đậu trường đại học Nông nghiệp Hà Bắc – đang chuẩn vị làm thủ tục nhập học thì được lệnh đi khám nghĩa vụ quân  sự - và tôi trúng tuyển. Lúc đó không riêng gì tôi  ai được nhập ngũ là cảm thấy vinh dự, tự hào lắm. Ai cũng mang trong mình hoài bão, lí tưởng của tuổi trẻ là phải độc lập, tự do cho đất nước nên sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, sẵn sàng hi sinh nên có chết cũng là điều vô cùng nhẹ nhàng”. Cũng giống như bao thanh niên cùng trang lứa lúc bấy giờ đã chuẩn bị sẳn sàng “xếp bút nghiêng” lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tháng 8 năm 1970 ông Khuy chính thức nhận hành trang lên đường nhập ngũ, đúng vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chỉ vỏn vẹn 1 tháng 18 ngày được huấn luyện tân binh tại Sư đoàn 338, đơn vị ông được bổ sung cho trung đoàn 46- sư đoàn chủ lực cơ động 320 quân khu 3. Những ngày cuối năm 1970 ông được lệnh vào Nam nhận nhiệm vụ, và cuộc hành quân với tốc độ nhanh phi thường của Sư đoàn 320 bắt đầu. ......

a9f7b535be7673282a67.jpg

Trong câu chuyện kể của CCB Lê Văn Khuy thì không khí sục sôi của những ngày vượt đường Trường Sơn - xông pha nơi hòn tên, mũi đạn như được lại được tái hiện một cách nguyên vẹn. Sau khi mở được cánh cửa phía Nam tại Quảng Trị ông cùng đơn vị (lúc này đã đổi thành Trung đoàn 52- tiếp tục hành quân theo hướng Quốc lộ tiến vào Quảng Ngãi để phối hợp cùng lực lượng du kích và bộ đội địa phương tham gia vào chiến dịch giải phóng Batơ, rồi tiếp tục tham gia trận Suối Đá tại Quảng Nam tiếp đến là tham gia vào chiến dịch Tây Nguyên....và cuối cùng là mặt trận Miền Đông nam Bộ.  Chỉ trong vòng 3 năm góp mặt trong  những trận đánh ác liệt, anh lính trẻ Lê Văn Khuy ngày nào giờ đây cũng đã dạn dày sương gió, gan lì trong trận mạc, nhưng đứng trước sự khốc liệt và mất mát của chiến tranh- nhất là khi chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh trước ngay trước mắt mình, cũng đã có lúc trái tim ông chợt như chùng lại khi nghĩ về cha mẹ già ở quê và cả lời từ biệt với người vợ trẽ trước khi lên đường rằng đất nước thống nhất “anh sẽ trở về”....... Để rồi lời hứa đó đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính mỗi khi bước vào trận chiến, là hy vọng về ngày giải phóng, thống nhất đất nước đã đến gần. 

Lần giở cho cho chúng tôi xem những vết thương củ trên khắp cơ thể của mình, đôi mắt vốn dĩ đã không còn nhìn thấy rõ của ông –chợt như bừng sáng lên khi nhớ về trận đánh cuối năm 1973 tại Xuân Lộc. Hôm đó đơn vị ông đang đi trinh sát để chuẩn bị tiến hành trận đánh quan trọng tiếp theo thì bị địch phát hiện – ông  trúng pháo kích, bị thương và ngất đi, khi tỉnh dậy mới biết mình đang năm trong quân y viện -sau nhiều tháng điều trị, ông lại xin ra mặt trận để tiếp tục được chiến đấu cùng đồng đôi, nhưng vì sức khỏe không còn bảo đảm nên đơn vị điều ông về phụ trách công việc hậu cần cho đến ngày giải phóng....Hơn 46 năm đã trôi qua, vết thương của ông Khuy cũng đã dần lành theo năm tháng, nhưng giờ đây ông vẫn cánh cánh một vết thương lòng, mà có lẽ nó sẽ theo ông cho đến cuối cuộc đời, bởi trong 6 người con của ông bà được sinh ra sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng thì đã có đến 2 người bị nhiểm chất độc da cam mà mãi về sau này ông mới biết. Đó là nỗi đau dai dẳng và khốc liệt nhất  khi từng ngày, từng giờ ông phải chứng kiến di chứng chiến tranh đày đọa các con mình. Và đó cũng là trận tuyến mới mà những người thương binh nhiễm chất độc da cam như ông phải đối mặt trong thời bình.

 

Người cựu chiến binh buồn bã kể: “Ban đầu sinh con ra chúng đều mạnh khỏe nhưng sau đó mới phát hiện bị dị tật mà không hiểu nguyên do. Mãi đến khi các con lớn lên ...tôi  đi khám khi có  mới biết chúng bị nhiễm chất độc hóa học. Bình thường thì không sao những khi nó lên cơn nó đập phá lung tung – thương con chúng tôi phải cắng rắng chịu đựng , xót xa lắm cô à . Thương con lắm nhưng đã rơi vào tình cảnh này thì cũng phải cố gắng để vượt qua chứ biết cậy nhờ ai được bây giờ. Những thương binh, những nạn nhân da cam như chúng tôi không trách một ai. Lịch sử giao cho ai việc gì hãy cứ làm tốt việc đấy. Chỉ có một điều, là một người cha, trong tôi luôn canh cánh một nỗi lo và không lúc nào hết băn khoăn về tương lai của con mình. Khi những người như chúng tôi già yếu rồi chết đi không biết những đứa con bị nhiễm da cam sẽ sống thế nào”.

VỀ GIỮA ĐỜI HƯỜNG

cựu binh Lê Văn khuy áo trắng.jpg 

Cựu binh Lê Văn khuy áo trắng


Tháng 9 năm 1975, ông Khuy được đơn vị giải quyết cho trở về  quê nhà Thôn Đoàn –Xã Vĩnh Thịnh – Huyện Vĩnh Lộc –Tỉnh Thanh Hóa ( nay là TP Thanh Hóa ) theo nguyện vọng. Hơn 6 năm trôi qua kể từ ngày ông lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc-  nơi đây giờ vẫn chỉ là một vùng quê nghèo, không có nhiều thay đổi. Đành gác lại ước mơ còn dang dở ngày nào, để vừa và tham gia vào một số công tác tại địa phương, vừa ổn định lại cuộc sống. Đến năm 1976 vì lý do sức khỏe, cũng như kinh tế quá khó khăn ông ra quân, trở về nhà giúp vợ làm nông. Cứ ngỡ rằng sau những mất mát của chiến tranh -CCB –thương binh Lê Văn Khuy sẽ dành những năm tháng còn lại của cuộc đời mình tại nơi chôn nhau cắt rốn này. Nhưng cái nghèo cái khổ cứ thế  bủa vây. Năm 1994, một lần nữa ông lại khăn gói, dắt díu vợ con tạm biệt quê hương –Vào mảnh đất Miền Nam lập nghiệp, chỉ mong rằng cuộc sống sẽ đổi thay. Và Xã Xuân Hiệp- Huyện Xuân Lộc –Tỉnh Đồng Nai- là nơi ông chọn làm quê hương thứ hai của mình. Trải qua gần 30 năm, cuộc sống của gia đình ông giờ đây cũng chỉ được coi là ổn hơn tí chút- Nhưng kể từ khi bệnh tình của người con trai thứ ba trở nặng, đặc biệt di chứng chiến tranh ngày càng xuất hiện rõ ràng hơn trong cơ thể ông Khuy thì cũng là lúc đôi mắt ông dần không còn nhìn thấy rõ ánh sáng –Hơn 10 năm qua người thương bình này đang dần quen với bóng tối, mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai người vợ yếu ớt. Cuộc sống của hai vợ chồng ông chủ yếu là từ tiền hổ trợ cho thương binh hạng 2/4 và nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Dù đã hết sức tằn tiện nhưng thỉnh thoảng bà mới có được bữa ăn ngon dành cho ông –trong khi bản thân ông lại rất cần có thêm sức khỏe, để chống chọi với bệnh tật. Đó là chưa kể cứ mỗi khi lên cơn người con trai thứ ba lại đập phá hết mọi thứ trong nhà, dù xót của những vì thương con, ông bà đành cắn răng chịu đựng. Những đứa con may mắn lành lặn thì cũng quá khó khăn nên không thể giúp gì được cho cha mẹ . .Nhìn thấy hoàn cảnh hiện tại của ông chúng tôi vô cùng xót xa nhưng điều đáng quý ở người thương binh này là không bao giờ nghe một tiếng than thở. Mà trên đôi mắt đang mất dần đi ánh sáng kia vẫn ánh lên những tia hi vọng về cuộc sóng

 Vâng! có thể cuộc sống của CCB thương binh Lê Văn Khuy sẽ thay đổi nếu tiếp tục học đại học, nhưng thay vì cầm bút ông lại chọn cầm súng để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc. Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ông vẫn luôn tin vào sự lựa chọn đúng đắn của mình. Lắng nghe câu chuyện của ông, chúng ta lại thấy thương và cảm phục những người lính cụ Hồ bởi chiến tranh, số phận dẫu tàn nhẫn, khốc liệt đến đâu cũng không khiến họ đầu hàng, gục ngã.


                                                                                Ngọc Hoàng

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Xuân Lộc

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Chung nhan Tin Nhiem Mang

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN XUÂN LỘC

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Huỳnh Thị Lành-Phó Chủ tịch
Địa chỉ: số 267 - Đường Hùng Vương - Khu 1 - Thị trấn Gia Ray - Huyện Xuân Lộc - Tỉ​nh Đồng Nai 

ĐT: 02513.871113 - Fax: 02513.871286 
Website:http://xuanloc.dongnai.gov.vn         
Email: ubnd-xl@dongnai.gov.vn​