Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nước sạch đã về với Sóc Ba Buông

​Tết Giáp Thìn năm 2024 có lẽ là cái Tết vui nhất của bà con làng đồng bào dân tộc S'tiêng ngụ tại Sóc Ba Buông, thuộc xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc khi dòng nước sạch đã được dẫn về làng sau gần 30 năm khao khát, đợi chờ.

Sóc Ba Buông nhiều năm dài khát nước sạch   

nước sạch về với nhà rông (5).jpg

Theo chỉ dẫn của một người dân địa phương, chúng tôi tìm vào làng dân tộc S'tiêng, xã Xuân Hòa vào những ngày cận tết. Con đường Sóc Ba Buông dẫn vào dẫn vào làng dài hun hút, hai bên là những rẫy khoai mỳ thấp lè tè, trơ trụi lá, những khóm xương rồng cao lớn, lú nhú những búp hoa đỏ, biểu tượng của vùng đất khô cằn và sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây. Nắng chiều, nhưng cơn gió Tây Nam thổi qua nóng đến rát da, chốc chốc lại xuất hiện những cơn gió lốc cao ngun ngút làm quần áo chúng tôi lấm lem bụi đất. Trải nghiệm một chút cái nắng, cái gió trên đường đi cũng đủ làm tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt, sự vất vả của người dân nơi đây. Rong ruổi hồi lâu, ngôi nhà Rông của đồng bào stieng khang trang cũng hiện ra trước mắt, già làng Điểu Phê cũng đã đứng đợi từ trước. Dù ngoài tuổi 70 nhưng trông già làng Điểu Phê còn rất rắn rỏi, làn da sạm nắng, ánh mắt sáng, hiền từ. Thấy chúng tôi vất vả đường xa đến đây, Già làng vui vẻ hỏi thăm rồi mời chúng tôi sang nhà riêng nằm ngay bên cạnh Rông để nghỉ chân, trò chuyện. Bên bình trà nóng, điếu thuốc rê vấn bằng tay mùi khói khen khét, Già Làng kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của bà con nơi đây.  Năm 1995, gia đình Già cùng hơn 20 hộ dân người đồng bào S'tiêng từ Tỉnh Bình Phước về Sóc Ba Buông lập nghiệp. Khi ấy, Sóc Ba Buông còn là những cánh rừng thưa còn sót lại do bị khai phá. Cuộc sống những ngày tháng đầu trên vùng đất mới đầy dẫy những khó khăn, vất vả. Do đất đai khô cằn, cây hoa màu không đủ làm no cái bụng, người dân chỉ biết dựa vào công việc săn bắt hái lượm. Theo thời gian, cây rừng hết, chim thú cũng chẳng còn. Lúc này, bà con mới chuyên tâm vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, cứ độ tháng 9, tháng 10 âm lịch là hết mưa, dòng suối Giaui cũng dần hết nước, nước giếng cũng cạn kiệt, trơ đáy. Cái nóng của Sóc Ba Buông được ví như cái “chảo rang bỏng rát".  Do vậy, vào mùa mưa, bà con trồng lúa, trồng ngô khoai rất nhiều, nhà nào cũng cố gắng tích lũy lương thực cho đến giáp hạt năm sau. Là vùng đất cát nên các loại củ như khoai môn, khoai mỡ, khoai từ ở đây rất thơm và dẻo. Già làng Điểu Phê cũng cho biết, do khó khăn về nguồn nước nên canh tác nông nghiệp không có hiệu quả kinh tế cao, khoảng chục năm trở lại đây, con em trong làng hầu hết đi làm công nhân tại các công ty xí nghiệp trong huyện, nhờ vậy nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên khó khăn nhất của bà con chính là nguồn nước sinh hoạt. Trước kia, khi dân làng mới về đất này, bà con thường lấy nước từ suối Giaui về để sử dụng. Thế nhưng sau này bị ô nhiễm nên bà con không dùng nữa, chính quyền địa phương cũng xây cho một cái bể chứa nước nhưng cũng không đáp ứng đủ. Hàng năm, khi mùa khô đến, người dân phải chở nước từ nơi xa về sử dụng hoặc phải mua của những người dân từ nơi khác chở đến, mỗi tháng phải tiêu tốn từ 500 đến 600 ngàn đồng/hộ. Mấy năm trước, ủy ban xã thấy bà con vất vả quá nên cũng chở nước vào làng tiếp trợ. Cụ thể cứ vào sáng thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, các cháu đoàn viên thanh niên của xã lại có một chuyến chở nước sạch vào Sóc Ba Buông cho bà con. Trên tuyến xe đi qua, hộ nào có người ở nhà thì mang thùng, mang xô ra hứng nước. Còn những hộ nào không có người ở nhà thì cán bộ bơm nước vào những cái cống bi xi măng được bố trị dọc bên đường, trưa hoặc chiều tối đi làm về thì lại ra đó múc về sinh hoạt. Tuy nhiên, lượng nước này cũng có hạn, do vậy người lấy trước cũng phải chia sẻ cho nhau, không dám lấy nhiều. Ông Huỳnh Ngọc Tùng-Nguyên chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, trước khó khăn về nguồn nước sạch của bà con làng dân tộc S'tiêng, chính quyền địa phương xã Xuân Hòa nhiều lần kiến nghị đầu tư. Tuy nhiên, vì ngôi làng này nằm cách xa tuyến ống chính của khu dân cư tập trung. Nếu đầu tư riêng một tuyến ống vào làng thì kinh phí quá lớn, trong khi số lượng dân cư ít (khoảng 65 hộ), sinh sống không tập trung nên khó triển khai.

Làng S'tiêng vui với dòng nước mát

nước sạch về với nhà rông (8).jpg

Trước những thực trạng khó khăn ấy! Năm 2023, Công ty CP cấp nước Đồng Nai đã quyết định đầu tư nâng công suất nhà máy nước Gia Ray từ 7.000 mᵌ/ngđ lên 15.000mᵌ/ngđ và công suất nhà máy nước Tâm Hưng Hòa từ 7.000 m3/ngđ lên 10.000mᵌ/ngđ. Đồng thời  đầu tư nhiều tuyến ống dẫn nước về các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt đầu tư  về hướng Xuân Hưng, Xuân Hòa, trong đó có gần 3 km tuyến ống đưa  nước sạch vào Sóc Ba Buông phục vụ sinh hoạt cho 65 hộ dân là người đồng bào dân tộc S'tiêng. Ông Hồ Ngọc Long- Giám đốc Chi nhánh cấp nước Xuân Lộc, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai cho biết: Thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng được sử dụng nước sạch của người dân, Công ty đã nỗ lực rất lớn để đầu tư đường ống đưa nước sạch về cho bà con làng dân tộc S' Tiêng xã Xuân Hòa.  Cụ thể đơn vị đầu tư 100% nguồn ống cái, đồng hồ cho bà con theo đúng chủ trương, dưới 4m thì miễn phí cho bà con. Bà con rất là phấn khởi, có nguồn nước sạch bà con sinh hoạt thoải mái trong khi chi phí thấp hơn rất nhiều so với trước kia.

bà con đứng đợi tiếp tế nước sạch của chính quyền xã xuân hòa (2).jpg

Bà Thị Choi, người dân trong làng dân tộc S'tiêng phấn khởi nói: Vô được nước máy gia đình tôi mừng lắm! Khi cán bộ xuống lắp đồng hồ, bà con cả làng ra xem, mọi người vỗ tay, gõ cồng chiêng chào đón. Bây giờ bà con trong làng không phải đi mua nước từ bên ngoài chở vô nữa, cứ mở vòi là có nước xài thôi. Cả nhà gia đình tôi xài nước tắm giặt, ăn uống chỉ tốn có hơn 200 ngàn/tháng. Lúc trước một bể nước phải là sáu chục ngàn, còn một thùng nước lọc để uống, nấu ăn cũng tốn hai mươi mấy ngàn. Bây giờ có nước máy rồi! Cảm ơn mấy người nước máy, cảm ơn Nhà nước thiệt nhiều.

Ông Tạ Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, so với các địa bàn khác trong huyện thì Xuân Hòa là vùng đất khô cằn nhất. Mùa khô các ao, hồ, giếng khoan hầu như cạn kiệt nước, nếu còn thì cũng bị nhiễm phèn, nhiễm vôi cao, người dân sử dụng sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy địa phương cũng có nhiều kiến nghị với UBND huyện, cũng như Chi nhánh cấp nước Xuân Lộc trực thuộc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai về việc phát triển tuyến ống đưa nước sạch về địa phương. Đến thời điểm này, vấn đề nước sạch sinh hoạt của người dân đã cơ bản được đáp ứng tốt, các tuyến ống đã được đầu tư đến các khu cụm dân cư, tỷ lệ  sử dụng nước sạch sinh hoạt của xã đạt trên 92%. Đặc biệt là khu vực làng dân tộc S'tiêng, nước sạch đã về bà con rất vui, nhà nhà, người người đều phấn khởi. Có lẽ cái tết này là cái tết vui nhất của bản làng sau nhiều năm mong chờ nguồn nước.

nước sạch về với nhà rông (1).jpg

Tiếng cồng chiêng âm vang, tiếng cười nói rộn ràng như xua tan cái nắng chói chang của những ngày cuối tháng Chạp trên Sóc Ba Buông, nơi chỉ có nắng, gió và cát trắng. Thế nhưng mùa xuân này, nước sạch đã về với Sóc Ba Buông, với bà con làng dân tộc S'tiêng. Trong ánh mắt, nụ cười đầy sự phấn khởi như thể đón nhận được món quà vô giá nào đó.

nước máy đã về đến từng hộ dân của làng dân tộc s tiêng (2).jpg

Được biết, Chi nhánh cấp nước Xuân Lộc trực thuộc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai, hiện nay được giao nhiệm vụ quản lý vận hành và cung cấp nước cho khu vực  các huyện Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú với 4 nhà máy lý nước lớn gồm: Nhà máy nước Gia Ray công suất 15.000 m3/ngđ. Nhà máy nước Tâm Hưng Hoà công suất 10.000 m3/ngđ , Nhà máy nước Định Quán công suất 4.200 m3/ngđ và  Nhà máy nước Tân Phú công suất 2.700 m3/ngđ. Nhằm nâng tỷ lệ dân cư đô thị và dân cư nông thôn được cấp nước sạch, hợp vệ sinh theo QCVN 01-1:2018/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng đạt 90% (dân cư đô thị) và 85% (dân cư nông thôn) vào năm 2025 theo Đề án cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025, Công ty cũng đang nỗ lực phối hợp với UBND các huyện Xuân Lộc, Tân Phú và Định Quán đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước cũng như nhiều dự án trọng điểm trong giai đoạn 2023-2025,  gồm:  Dự án TOCN 05 xã Xuân Phú, Xuân Định, Bảo Hòa, Suối Cao, Lang Minh và các vùng lân cận; triển khai dự án xây dựng thêm nhà máy nước tại Hồ Gia Măng và các dự án cải tạo và đầu tư mới TOCN tại khu vực huyện Tân Phú và Định Quán. Song song với các dự án đầu tư, công ty cũng đã và đang thực hiện cải tạo các tuyến ống cấp nước cũ vật liệu sắt tráng kẽm, uPVC thay thế bằng các tuyến ống mới vật liệu HDPE nhằm đảm bảo áp lực lưu lượng cũng như chất lượng nước tốt hơn đến người dân.

 


Hải Đình

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Xuân Lộc

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Chung nhan Tin Nhiem Mang

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN XUÂN LỘC

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Huỳnh Thị Lành-Phó Chủ tịch
Địa chỉ: số 267 - Đường Hùng Vương - Khu 1 - Thị trấn Gia Ray - Huyện Xuân Lộc - Tỉ​nh Đồng Nai 

ĐT: 02513.871113 - Fax: 02513.871286 
Website:http://xuanloc.dongnai.gov.vn         
Email: ubnd-xl@dongnai.gov.vn​