Cách đây 30 năm, Xuân Hiệp là vùng đất nghèo nàn, lạc hậu với phần lớn số hộ dân thuộc diện nghèo đói; nhà cửa tạm bợ; hạ tầng cơ sở thiết yếu: điện, đường, trường, trạm hầu như bằng không. Thế nhưng, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Sau 30 năm hình thành và xây dựng, đến nay, xã Xuân Hiệp đã hoàn toàn thay da, đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, bộ mặt nông thôn từng ngày thêm khang trang, đổi mới.
Xuân Hiệp ngày nay là vùng đất có từ lâu đời, nằm ở vị trí trung tâm của huyện Xuân Lộc. Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, tuy số lượng quân dân tại khu vực Xuân Hiệp không nhiều, nhưng với tấm lòng sắt son với Đảng, nhân dân xã Xuân Hiệp đã cùng với quân chủ lực, quân dân địa phương chiến đấu anh dũng, góp phần đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc, giúp quân và dân ta tiến đánh vào Sài Gòn, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Hòa bình lập lại, cán bộ, nhân dân xã Xuân Hiệp cùng nhau ra sức lao động sản xuất, kiến thiết quê hương. Ngày ấy! Xuân Hiệp là vùng đất rộng lớn, bao gồm 03 xã: Suối Cát, Lang Minh và xã Xuân Hiệp (ngày nay). Để thuận lợi cho công tác quản lí hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Đến ngày 30/8/1994, xã Xuân Hiệp (mới) chính thức được thành lập và đi vào hoạt động vào ngày 1/9/1994 theo Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 28/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Khi mới thành lập, xã có 1.930 hộ với 11.241 nhân khẩu chia làm 4 ấp: ấp Tam Hiệp, ấp Tân Tiến, ấp Việt Kiều và ấp Bình Minh. Phía Bắc giáp thị trấn Gia Ray; phía Tây giáp xã Suối Cát; Phía Đông giáp xã Xuân Tâm, TT Gia Ray; phía Nam giáp xã Lang Minh.
Nhớ lại những ngày mới thành lập, Xuân Hiệp còn là vùng đất hoang sơ với đầy dãy những hố bom, bãi đạn...Kinh tế vô cùng khó khăn, nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo với trên 75% tổng sản phẩm xã hội, thu hút hơn 90% lực lượng lao động tham gia. Do tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu dựa vào sức người, sức kéo nên hiệu quả không cao, năng suất không ổn định, chưa giáp hạt là bà con lại rơi vào cảnh túng đói. Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ tuy có nhưng manh mún, nhỏ lẻ, không đáng kể; phần lớn hộ dân không có điện thắp sáng, không có phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn, giao thông nông thôn hoàn toàn là đường đất, đường mòn tự mở; tình trạng học sinh phải học ca ba, ca tư là rất phổ biến, đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa được đào tạo bài bản ,vừa yếu, vừa thiếu,… Chồng chất những khó khăn ấy là bài toán khó được đặt ra cho tập thể Đảng bộ xã Xuân Hiệp ngày ấy những nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Trăn trở trước thực trạng khó khăn trên, trải qua các kì Đại hội, tập thể Đảng bộ, chính quyền nhân dân xã Xuân Hiệp đã tập trung nghiên cứu, đề ra được nhiều nhóm giải pháp, lộ trình phát triển kinh tế xã hội phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Trong đó đặc biệt chú trọng vào việc khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương để làm bàn đạp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội với một quyết tâm chính trị cao nhất.
Là xã thuần nông nên Xuân Hiệp luôn xác định phải đi lên làm giàu bằng từ đất và lao động; lấy nông nghiệp làm đòn bẩy then chốt để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Do vậy, trong thời gian qua, Xuân Hiệp đã nhanh chóng qui hoạch, hình thành được nhiều vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tập trung với qui mô lên đến hàng ngàn hecta; Đồng thời ưu tiên các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống lưới điện sản xuất, kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, vận động bà con nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu vật nuôi, cây trồng, áp dụng tốt những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất; xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể như: tổ hợp tác, hợp tác xã và câu lạc bộ năng suất cao, nhằm tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Điển hình như hợp tác xã rau Hiệp Tiến, mô hình bưởi Lộc Xuân, tổ sản xuất tàu hũ ky,... Theo báo cáo, đến nay, toàn xã đã có 18 câu lạc bộ năng suất cao, 13 tổ hợp tác và 2 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Hiện nay xã cũng có một sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP và một mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao. năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương đạt gần 189 triệu đồng/ha, nông dân phấn khởi làm giàu trên mảnh đất của mình.
Cũng nằm trong bài toán nâng cao thu nhập cho người dân, trong thời gian qua, Xuân Hiệp còn thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ…Trong đó đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tạo nhiều điều kiện cho người dân được tiếp cận các gói vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề nghiệp tạo nguồn thu nhập ổn định; xã cũng đã hình thành nên được nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như nghề tàu hũ ki, gỗ mỹ nghệ, hay bóc tách vỏ lụa hạt điều,… góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng của địa phương hàng năm đều tăng từ 12%-đến trên 14% năm, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 10%/năm. Nâng thu nhập bình quân đầu người từ 1,7 triệu đồng/năm 1994 lên trên 90 triệu đồng/năm 2023. Kéo tỉ lệ hộ nghèo tỷ lệ hộ nghèo từ trên 70% xuống còn 0,57%/ năm 2023. Từ chỗ có thu nhập, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Xuân Hiệp không ngừng được nâng cao. Theo đó, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới luôn được bà con nhân dân hưởng ứng tích cực.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, trong thời gian qua, Xuân Hiệp đầu tư phát triển mạnh về các lĩnh vực văn hóa- xã hội. Tính đến nay, 100% các ấp trong xã cũng đều có nhà văn hóa, thể thao phục vụ tốt cho việc hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân. Bên cạnh đó các lĩnh vực về y tế, giáo dục cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay xã đã có 4/4 trường học của xã đã đạt chuẩn quốc gia; 1 trạm y tế và một phòng khám đa khoa phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Cùng đó các tỷ lệ về điện, nước sạch sinh hoạt đều đạt 100%, gần 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Điểm nổi bật của xã Xuân Hiệp trong thời gian qua đó chính là việc phát triển đường giao thông nông thôn. Nếu như năm 1994, hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn là đường đất, “nắng bụi, mưa lầy" thì đến đến nay hệ thống giao thông đã đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa khép kín theo hình bàn cờ, nối liền khu dân cư đến các vùng sản xuất. Cụ thể như 100% các tuyến đường do huyện, xã quản lý đã đựơc nhựa hóa. 100% tuyến đường xóm, ấp đã được nhựa hóa, bê tông hóa, số còn lại cũng được cứng hóa. Để làm đẹp cho các tuyến đường, người dân nơi đây cùng nhau trồng hoa, xây dựng trụ cờ, lắp đặt camera an ninh, đèn chiếu sáng đảm bảo các tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Cứ đến các dịp lễ tết, hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đều rực rỡ cờ, hoa; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được ổn định giữ vững.
Sau 30 năm hình thành và phát triển, đến nay bức tranh làng quê nông thôn tại xã Xuân Hiệp đã mở ra với lung linh sắc màu; hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trạng sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Trong suốt hành trình ấy, Xuân Hiệp đã ghi thêm nhiều dấu son vào trang sử tự hào của địa phương. Cụ thể, cuối năm 2013, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân xã Xuân Hiệp vinh dự được UBND tỉnh trao tặng bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp đến năm 2017 xã được công nhận xã nông thôn nới nâng cao; Năm 2023 đạt nông thôn mới kiểu.
30 năm! Chặng đường chưa phải là dài. Song! xuyên suốt hành trình ấy là biết bao công sức vun đắp của các thế hệ cán bộ và nhân dân nơi đây. Khó khăn đã đi qua! Xuân Hiệp hôm nay đã vươn lên một tầm cao mới. Những cánh đồng khô cháy với chằng chịt hố bom năm xưa, nay đã trở thành những vườn cây trái quanh năm trù phú, những căn nhà mới khang trang được mọc lên bên những tuyến đường bê tông thẳng tắp. Từ trong ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân đều rạng ngời lên niềm hân hoan tự hào về một vùng quê đáng sống.
Phải khẳng định rằng! Những thành tựu mà xã Xuân Hiệp đã đạt được trong thời gian qua chính là kết tinh của sự đoàn kết, sáng tạo, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân xã nhà. Thành quả ấy chính là động lực, là nền tảng vững chắc để địa phương tiếp tục phấn đấu, gặt hái thêm nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong tương lai.