Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây

Đặc điểm kinh tế - xã hội

Đặc điểm kinh tế - xã hội huyện Xuân Lộc

1. Thông tin về đặc điểm kinh tế:

                 a. Về Nông nghiệp: 

                Xuân Lộc là huyện trung du miền núi, với dân số trên 228 ngàn người, diện tích tự nhiên 72.619 ha trong đó có 55.552 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn với những nội dung chủ yếu như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá, phát triển thị trường nông thôn; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo củng cố xây dựng kinh tế hợp tác, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình Câu lạc bộ năng suất cao, liên hiệp câu lạc bộ đã tạo ra những bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp; những chủ trương đó đã tạo được sự thống nhất cao trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của đa số nông dân, đã khẳng định tính hiệu quả, tính đúng đắn, hợp “ý Đảng - lòng dân”.
              Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp dựa trên các yếu tố tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội đã định hướng quy hoạch thành 4 tiểu vùng để phát triển, cụ thể như sau: 

              Tiểu vùng I:Bao gồm các xã Xuân Hiệp, Suối Cát và thị trấn Gia Ray trong đó trung tâm của tiểu vùng là thị trấn Gia Ray, cơ cấu kinh tế chủ yếu là công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp. Tổng diện tích tự nhiên 5.526,09 ha, chiếm 7,6% tổng diện tích tự nhiên toàn huyên; trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 3.259,38 ha, chiếm 7,06% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện.

             Tiểu vùng II:Bao gồm các xã Xuân Định, Bảo Hoà, Xuân Phú và Lang Minh trong đó trung tâm của tiểu vùng là Bảo Hoà; cơ cấu kinh tế chủ là chuyên canh cây lâu năm, cây hàng năm, cây đặc sản với trình độ thâm canh cao và chăn nuôi trang trại. Tổng diện tích tự nhiên 8.716,74 ha, chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện; trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 7.432,85 ha, chiếm 16,08% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện.
              Tiểu vùng III:Bao gồm các xã Xuân Tâm, Xuân Hưng và Xuân Hoà trong đó Xuân Hưng là trung tâm của tiểu vùng, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông- lâm nghiệp, trang trại chăn nuôi và thủy sản. Tổng diện tích tự nhiên 31.315,18 ha, chiếm 43,12% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện; trong đó diện tích đất nông nghiệp là 16.082,47 ha, chiếm 34,78% diện tích đất nông nghiệp toàn huyện.

                Tiểu vùng IV:Bao gồm các xã Xuân Bắc, Suối Cao, Xuân Thọ, Xuân Trường và Xuân Thành. Đây là tiểu vùng chuyên canh cây tiêu, điều, rau sạch, trang trại chăn nuôi. Tổng diện tích tự nhiên 27.078,44 ha, chiếm 37,28% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện; trong đó diện tích đất nông nghiệp là 19.443,08 ha, chiếm 42,08% diện tích đất nông nghiệp toàn huyện.

                2. Quy hoạch phát triển các cây trồng:
                Huyện đã triển khai thực hiện nhiều vùng có giá trị sản xuất từ 100 triệu đến 250 triệu/ha/năm như: vùng sản xuất 1 vụ bắp + 2 vụ lúa và 2 vụ bắp + 1 vụ lúa tại Lang Minh (diện tích 400 ha), Suối Cát (diện tích 123 ha), Xuân Phú (diện tích 450 ha); tiêu tại Suối Cao, Xuân Thọ (diện tích 590 ha); Xoài tại Xuân Hưng (diện tích 150 ha) và rau tại Xuân Phú, Xuân Bắc (diện tích 270 ha).   

                + Đối với cây bắp:
               Nhờ khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi và áp dung các biện pháp khoa học kỹ thuật nên diện tích cây bắp năm 2010 thực hiện 11.732 ha. Năng suất BQ năm đạt 69 tạ/ha, trong đó năng suất bình quân trong các câu lạc bộ năng suất cao đạt 84 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt năng suất 120- 130 tạ/ha. Diện tích bắp chủ yếu tập trung tại các xã Xuân Phú, Lang Minh, Xuân Bắc, Xuân Thành, Xuân Trường, Suối Cao, Xuân Tâm, Suối Cát.
 

CLB Năng Suất Cao 2 Lúa -1 bắp xã Lang Minh

               
                + Đối với cây lúa:
                Diện tích năm 2010 là 12.732 ha. Năng suất lúa bình quân đạt 48 tạ/ha. Diện tích lúa chủ yếu tập trung tại các xã Xuân Bắc, Xuân Phú, Xuân Thọ, Lang Minh, Xuân Hiệp, Xuân Thành.
 
 Điểm trồng trình diễn giống lúa mới tại cánh đồng Xuân Phú, năng xuất đạt 6-7 tấn hecta.

+ Đối với cây rau:

                 Diện tích rau năm 2010 đạt 3.165 ha, năng suất bình quân toàn huyện đạt 151,9 tạ/ha. Đặc biệt có một số hộ trong câu lạc bộ cây rau năng suất đạt từ 300 - 350 tạ/ha. Thu nhập bình quân mỗi ha đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm với chu kỳ quay vòng 5- 7 lần/năm. Diện tích chủ yếu tập trung các các xã Xuân Bắc, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Trường, Xuân Hiệp. 

 
​CLB tiêu đạt NS 10 tấn tại xã Xuân Thọ

       

   Quy hoạch phát triển chăn nuôi:

                - Tổng diện tích quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi huyện Xuân Lộc giai đoạn I là 3.982 ha, giai đoạn II là 13.986 ha tại 14 xã (trừ thị trấn Gia Ray). Toàn huyện hiện có 214 trang trại chăn nuôi với 54.590 con heo, 705 con bò, 937.545 con gà, 200 con dê, 136.000 con cút, trong đó: 125 trang trại chăn nuôi heo, 13 trang trại chăn nuôi bò, 61 trang trại chăn nuôi gà, 01 trang trại chăn nuôi dê, 09 trang trại chăn nuôi cút và 05 trang trại chăn nuôi tổng hợp (gà và heo). Tổng vốn sản xuất kinh doanh của các trang trại chăn nuôi 181,865 tỷ đồng. Giá trị sản xuất của các trang trại tạo ra năm 2009 là 142,284 tỷ đồng, chiếm 11% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

                b. Về Lâm nghiệp:
                Lâm nghiệp tuy có vị trí rất khiêm tốn trong phát triển nông lâm thủy sản, nhưng có vai trò quan trọng về bảo vệ môi trường và cải thiện chế độ nước ngầm cho khu vực phía Tây, nơi có điều kiện khí hậu tương đối khô nóng.

                Ban quản lý rừng đã huy động được nguồn lực của người dân địa phương, doanh nghiệp và nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào trồng, bảo vệ và kinh doanh rừng. Đã xác định được cơ cấu cây rừng phù hợp với chức năng từng loại rừng và đặc điểm đất đai của từng khu vực. Có sự kết hợp tốt giữa cây rừng trồng chủ lực là keo lai với các loại cây đa dụng như cao su, điều trên đất rừng sản xuất.

              Các mô hình trồng điều, cao su, keo lai đều cho hiệu quả tốt. Giai đoạn từ 2005 - 2008 sản lượng khai thác lâm sản trên rừng sản xuất liên tục tăng, từ 12.534 m3 năm 2005 lên 27.770 m3 năm  2006 và 31.150 m3 năm 2007. Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế còn có tác dụng thiết thực vào bảo vệ môi trường và đa dạng hoá các loại hình sử dụng đất, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất vườn nhà, đất chuyên dùng qua việc trồng cây phân tán.
 

   Trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt để ổn định diện tích rừng tập trung với các loại cây rừng cho năng suất cao và phù hợp, chú trọng trồng rừng phân tán.

                Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng mới chăm sóc nhằm tăng năng suất và hiệu quả, cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến bột giấy và sản xuất đồ gỗ, tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan và phát triển du lịch.
 

Trồng các giống cây rừng đã được tuyển chọn, trước mắt dùng giống keo lai, lâu dài sẽ tuỳ theo các thành tựu chọn tạo giống để trồng các loại giống mới phù hợp. Trên đất rừng phòng hộ trồng các loại cây rừng phù hợp như dầu, sao … Ngoài các loại cây rừng, sẽ trồng thêm các loại cây đa dụng như cao su, điều, nhưng trong tương lai nên giảm dần diện tích điều, tăng dần diện tích cao su kiêm gỗ.


               Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về nhân giống, lâm sinh để tăng tỷ lệ cây sống, tăng năng suất, chủ động phòng chống cháy rừng.
 

           3.4. Thủy sản:

               Nuôi trồng thủy sản ở Xuân Lộc chủ yếu là tận dụng mặt nước công trình thủy lợi và các ao nhỏ. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2008 là 715 ha, tổng giá trị sản xuất 16,8 tỷ đồng theo giá cố định năm 1994 và 29,3 tỷ đồng theo giá hiện hành (năm 2008).

            Tận dụng các loại mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, nguồn nước và tăng thêm thu nhập cho nông hộ.Nông dân không ngừng tiếp thu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ về giống, thức ăn, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh.

Các trang giới thiệu khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Xuân Lộc

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Chung nhan Tin Nhiem Mang

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN XUÂN LỘC

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Huỳnh Thị Lành-Phó Chủ tịch
Địa chỉ: số 267 - Đường Hùng Vương - Khu 1 - Thị trấn Gia Ray - Huyện Xuân Lộc - Tỉ​nh Đồng Nai 

ĐT: 02513.871113 - Fax: 02513.871286 
Website:http://xuanloc.dongnai.gov.vn         
Email: ubnd-xl@dongnai.gov.vn​