Biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ nét và ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất của người nông dân. Từ đầu năm 2024, tình trạng thiếu nước cục bộ xảy ra đã ảnh hưởng đến việc ra hoa đậu trái của cây trồng; thời tiết không tuân theo quy luật của các năm trước, mùa mưa đến muộn hơn; áp lực sâu bệnh, sinh lý cây trồng ngày càng cao.
Theo Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa tỉnh Đồng Nai, từ nay đến cuối năm nhiệt độ cao hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo mùa mưa năm nay kết thúc khá muộn, sau khi mùa mưa kết thúc vẫn xuất hiện những đợt mưa trái mùa từ nhỏ đến vừa với diện tích rộng; tổng lượng mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 -20%, tập trung mưa to kéo dài vào tháng 9. Trên địa bàn có nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, gió Tây Nam mạnh cần đề phòng dông, lốc xoáy, gió giật.
Căn cứ kế hoạch sản xuất và tình hình sinh vật hại cây trồng tại địa phương, diễn biến tình hình sâu bệnh vụ Mùa các năm trước và vụ Hè - Thu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện dự báo và hướng dẫn phòng chống sinh vật gây hại trên một số cây trồng chính vụ Mùa 2024 như sau:
Giải pháp bảo vệ cây trồng:
Thực hiện tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, cày xới, bón vôi, bón phân hữu cơ hoai mục có bổ sung nấm đối kháng như nấm Trchichoderma; sử dụng phân hữu cơ vi sinh; tiến hành luân canh, đổi giống, làm đất, lên liếp thoát nước, kiểm soát sâu bệnh tốt, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu bệnh sinh học để phòng trừ.
- Cây lúa: khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch; theo dõi tình hình khí tượng thủy văn để xác định lịch cụ thể gieo sạ cho từng vùng nhằm đảm bảo xuống giống lúa Mùa 2024 theo hướng tập trung, né rầy và ảnh hưởng bất lợi của thời tiết phải sạ đi sạ lại nhiều lần. Cần có biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng ngay trước khi gieo sạ. Cần lưu ý bệnh đạo ôn hại lá và đạo ôn cổ bông trên những trà lúa sạ dày, bón thừa phân đạm.
- Cây bắp: chủ động các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu.
- Cây khoai mì: virus gây bệnh khảm lá đã tồn tại trong giống và đất, nên gây hại nặng trên các diện tích khoai mì vụ mùa, vào cuối vụ rệp sáp bột hồng, nhện đỏ có thể xuất hiện và gây hại nặng. Tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn như hướng dẫn tại văn bản số 1772/BVTV-TV ngày 08/8/2024 của Cục Bảo vệ thực vật. Sử dụng giống khoai mì sạch bệnh như như HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97... và phòng trừ mô giới truyền bệnh.
- Nhóm cây công nghiệp: tiếp tục theo dõi và chủ động phòng chống sinh vật gây hại: tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm... trên cây hồ tiêu; bọ xít muỗi, bệnh thán thư... hại cây điều.
- Nhóm cây ăn quả: chăm sóc, bón phân đầy đủ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, ưu tiên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), theo dõi tình hình sinh vật gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với bệnh Greening gây hại trên cây có múi tiến hành xử lý, tiêu hủy những cây bị bệnh Greening nặng, tránh lây lan.
Điều tiết nước tưới từ các công trình thủy lợi:
Để bảo đảm sự an toàn cho các công trình trong mùa mưa lũ. Các đập công trình thủy lợi vận hành theo quy trình vận hành được duyệt, vận hành phục vụ sản xuất theo nhu cầu thực tế tại các cánh đồng, thực hiện việc mở, đóng cửa các đập để bảo đảm tiêu thoát lũ, phát quang khơi thông kênh mương để chống ngập úng trong mùa mưa lũ./.
Đính kèm Công văn số 151/CV-TTDVNN ngày 29/8/2024 của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về Hướng dẫn phòng chống sinh vật gây hại cây trồng vụ Mùa năm 2024.