Thời tiết trong vụ Mùa ngày nóng, đêm lạnh, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh phát triển. Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã tiến hành thăm đồng, điều tra và hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ.
Vụ Mùa năm 2024 trên địa bàn huyện gieo trồng khoảng 4.500 ha với các trà lúa khác nhau. Hiện tại, trà Mùa sớm đang vào giai đoạn đồng trổ, trà mùa chính và muộn đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Thời tiết hiện nay đặc biệt thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại nặng. Qua điều tra tình hình diễn biến sinh vật gây hại trên cây lúa của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, đã phát hiện bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông trên các trà lúa đẻ nhánh, đồng, trổ tại các xã Xuân Thọ, Xuân Phú, Xuân Hiệp, Lang Minh, Suối Cát, Xuân Tâm. Bệnh xuất hiện đặc biệt gây hại nặng tại các chân ruộng cao, khô. Qua kiểm tra thăm đồng toàn huyện đã có 420 ha bị bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ 5-10% lá, trong đó có 60 ha bị nặng với tỷ lệ nhiễm 25% lá; 350 ha bị bệnh đạo ôn cổ bông, tỷ lệ 5-10% cổ bông.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt – xã Xuân Phú cho biết: “Sau khi phát hiện lúa bị cháy do đạo ôn, ông đã tiến hành mua thuốc Bảo vệ thực vật về phun phòng trừ toàn bộ diện tích theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, vì bệnh đạo ôn thường lây lan rất nhanh, nhất là gặp thời tiết thuận lợi như hiện nay. Ngoài ra, hiện cây lúa đang giai đoạn đòng, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ bị đạo ôn cổ bông, năng suất sẽ giảm nhiều".
Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Bệnh có thể gây hại tất cả các giai đoạn từ mạ đến trổ của cây lúa, thường phát triển trong điều kiện: giống nhiễm, bón phân đạm nhiều, ruộng khô, trời âm u, lạnh có sưong mù.
Bệnh đạo ôn có thể gây hại trên lá, thân, cổ bông, cổ gié. Đạo ôn lá xuất hiện nhiều đốm bệnh nhỏ bằng đầu kim sau lớn dần có dạng hình thoi màu nâu giữa có màu xám trắng, xung quanh có viền vàng nâu. Trường hợp cấp tính, vết bệnh sẽ kéo dài ra theo chiều dọc lá, các vết bệnh lớn dần liên kết với nhau làm lá khô hoàn toàn. Đạo ôn trên thân bệnh gây hại ở đốt tạo thành những vết màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô teo lại, cây lúa dễ bị gẫy gục. Đạo ôn cổ bông, cổ gié vết bệnh màu nâu làm cả bông lúa hoặc gíe lúa bị lép trắng hoặc lửng hạt. Vết bệnh cũng có thể xâm nhập lên vỏ hạt lúa.
Để phòng trừ hiệu quả và ngăn chặn sự lây lan của bệnh đạo ôn, nông dân cần tăng cường kiểm tra ruộng. Khi phát hiện bệnh, ngưng bón phân đạm, không phun phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng và không để ruộng bị khô, kết hợp sử dụng thuốc đặc trị phun trừ kịp thời khi tỷ lệ bệnh 5%. Đối với những ruộng bị nhiễm đạo ôn với tỷ lệ trung bình nặng cần phun liên tiếp 2 lần cách nhau từ 5-7 ngày. Có thể sử dụng các loại thuốc Bảo vệ thực vật chứa hoạt chất sau: Isoprothiolane (Fuji-One 40EC, Dojione 40EC, Futrangone 40EC…), Propiconazole + Tricyclazole (Filia® 525 SE; Isoprothiolane + Tricyclazole (Bump 650WP; Tricyclazole (Flash 75WP…); Fenoxanil + Tricyclazole (Map Famy 35SC, Bixanil 500SC…); Kasugamycin (Fukmin 20SL, Kasugacin 3SL, Fujimin 20SL…); Azoxystrobin + Fenoxanil (Trobin plus 400SC, Omega 325WP..).
Dự báo thời gian tới, thời tiết sẽ tiếp tục thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển, lây lan nhanh trên diện rộng và gây hại nặng đặc biệt trên các chân ruộng bón phân không cân đối, thừa đạm … Vì vậy, nông dân cần chủ động thăm đồng, nắm bắt tình hình sinh trưởng, diễn biến bệnh hại trên cây trồng để có biện pháp chăm sóc, phòng trừ bệnh đạo ôn kịp thời, không để bệnh phát triển ảnh hưởng đến năng suất cây trồng./.