1. Nghị
định số 02/2023/NĐ-CP của Chính phủ
ngày 01/02/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
Nghị định nêu rõ quy định về điều kiện cấp
giấy phép tài nguyên nước (Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển;
giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất)
phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1- Đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý
kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
2- Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch
về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới
đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả
năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác
nước dưới đất. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực
theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo
đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.
Phương án thiết kế công trình hoặc công
trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và
đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.
3- Đối với trường hợp khai thác, sử dụng
nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định
tại điểm b khoản 2 Điều 53 của Luật Tài nguyên nước, điều kiện quy định tại (1)
và (2) nêu trên và các điều kiện sau đây:
Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để
vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương
án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ
vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình; có quy
trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá
nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát
hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo
lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp
đã có công trình.
Nghị định nêu rõ, trường hợp thăm dò, khai
thác, sử dụng nước mà chưa có giấy phép tài nguyên nước, cơ quan có thẩm quyền
xem xét quyết định cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước khi đáp ứng các điều
kiện cấp phép theo quy định trên.
Việc xử lý các hành vi vi phạm do thăm dò,
khai thác, sử dụng nước không có giấy phép tài nguyên nước thực hiện theo quy
định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên
nước.
Nghị định có hiệu lực từ ngày
20/3/2023
2. Thông tư số
24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc
trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại
Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng
ngày và có giá trị bằng tiền như sau:
- Mức 1: 13.000
đồng (tăng 3.000 đồng);
- Mức 2: 20.000
đồng (tăng 5.000 đồng);
- Mức 3: 26.000
đồng (tăng 6.000 đồng);
- Mức 4: 32.000
đồng (tăng 7.000 đồng).
Đối với người lao động đủ điều
kiện hưởng bồi dưỡng thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được
quy định tại Phụ lục I của Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp
dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:
- Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc
bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng;
- Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình
thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng;
- Trong trường hợp người lao
động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương
ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/3/2023
3. Thông tư số
04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý,
thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di
tích và hoạt động lễ hội
Theo đó, người đại diện cơ sở tôn giáo tự
quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài
trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù
hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn
hóa và pháp luật khác có liên quan. Đối với di tích giao cho đơn vị sự nghiệp
công lập quản lý, sử dụng thì số tiền công đức, tài trợ đã tiếp nhận (trừ các
khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) được phân bổ và sử dụng
như sau:
Thứ nhất, trích theo tỷ lệ phần trăm để
tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích khác trên địa bàn cấp
tỉnh (không áp dụng đối với di tích có số thu tiền công đức, tài trợ thấp không
đủ chi cho hoạt động lễ hội và chi thường xuyên): Số tiền này chuyển vào tài
khoản riêng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.
Thứ hai, trích để lại theo tỷ lệ phần trăm
để chi hoạt động lễ hội theo quy định (áp dụng đối với di tích có hoạt động lễ
hội do cơ quan Nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích). Trường hợp đơn vị không
được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội thì
chuyển số tiền này vào tài khoản của đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao quản
lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày
19/3/2023.
4. Kể từ 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ
thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh
của công dân Việt Nam.
Ưu điểm
nổi bật của hộ chiếu gắn chíp điện tử
Hộ chiếu
điện tử không chỉ lưu trữ các thông tin được viết trên giấy như: họ tên, ngày
tháng năm sinh, quốc tịch…, mà còn có khả năng lưu trữ các thông tin sinh trắc
học của con người như vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu… Vì có thể lưu
được nhiều thông tin của hành khách một cách chính xác và thống nhất về mặt
định dạng nên việc làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại các nước sẽ diễn ra nhanh
chóng và dễ dàng hơn, gần như không mất thời gian để cán bộ kiểm soát xuất,
nhập cảnh các nước kiểm soát, xác thực các thông tin trên hộ chiếu, vì mọi thứ
sẽ hiện ra nhanh chóng khi đọc hộ chiếu.
Người được
cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp
thị thực nhập cảnh. Hiện nay, trên thế giới có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh
thổ sử dụng hộ chiếu điện tử, vì lưu trữ được nhiều thông tin theo một định
dạng thống nhất giữa các quốc gia.
Hộ chiếu
gắn chíp điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chíp,
rất khó sao chép thông tin. Chính vì vậy, hộ chiếu điện tử có tính bảo mật hơn
hộ chiếu giấy thông thường, bảo vệ người mang hộ chiếu trước nguy cơ bị lấy cắp
thông tin cá nhân; tránh tình trạng bị làm giả.
Việc phát
hành hộ chiếu điện tử không những tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động
xuất, nhập cảnh, mà còn phù hợp với Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong
phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của hộ chiếu Việt Nam, thúc đẩy
quá trình hội nhập của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Thủ tục
cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử
Người dân
có thể làm thủ tục cấp hộ chiếu điện tử gắn chíp bằng nhiều hình thức khác
nhau. Cụ thể, công dân có căn cước công dân có quyền lựa chọn nơi làm thủ tục
đề nghị cấp hộ chiếu tại bất kỳ Phòng xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố
nào công dân thấy thuận lợi nhất.
Với những
người vẫn dùng chứng minh nhân dân, buộc phải làm thủ tục xin cấp hộ chiếu có
gắn chíp điện tử tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh nơi có hộ khẩu thường trú
hoặc tạm trú.
Trường hợp
người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ 2 trở đi, được lựa chọn nơi làm thủ tục
cấp hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh
công an cấp tỉnh bất kỳ.
Ngoài ra,
để giảm thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, công dân chủ động làm tờ
khai đề nghị cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an theo đường dẫn:
https://dichvucong.bocongan.gov.vn/
Về trả kết
quả làm hộ chiếu, công dân có thể nhận trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất, nhập
cảnh hoặc được đơn vị bưu chính chuyển phát đến địa chỉ đã đăng ký và thanh
toán phí chuyển phát khi nhận hộ chiếu.
Hộ chiếu sẽ
được cấp trong hạn 8 ngày làm việc nếu làm thủ tục tại Phòng Quản lý xuất nhập
cảnh các địa phương, 5 ngày làm việc nếu làm hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập
cảnh Bộ Công an.
Về lệ phí
làm hộ chiếu gắn chíp, Thông tư số 25/2021/TT-BTC ngày 7/4/2021 của Bộ Tài
chính quy định mức phí 200.000 đồng/hộ chiếu. Trường hợp cấp lại do bị hỏng
hoặc bị mất là 400.000 đồng/hộ chiếu.
Ngoài ra,
theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 25, các trường hợp được miễn lệ phí cấp hộ chiếu
bao gồm: Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của
cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu; người Việt Nam ở
nước ngoài phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc
nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu; những trường hợp vì lý do nhân
đạo.
Trường hợp
được hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu: Người đã nộp lệ phí nhưng không đủ điều kiện
được cấp hộ chiếu thì được hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu (căn cứ khoản 3 Điều 6
Thông tư 25).
Nguyễn Hữu Minh