Trong bộ máy Nhà nước ta, Hội đồng nhân dân được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vông và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên (trích điều 119 Hiến pháp năm 1992 và điều 1, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003).
Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương này được hình thành từ những đại biểu HĐND. Nói cách khác, đại biểu HĐND là tế bào của HĐND. Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 và điểu 36, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước”.
HĐND quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.
HĐND thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.
HĐND hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế XHCN, ngăn ngừa và chống các biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm và các biểu hiện tiêu cực khác của cán bộ, công chức và trong bộ máy chính quyền địa phương.
HĐND có thường trực HĐND và các Ban của HĐND.
Nhiệm kỳ mỗi khoá của HĐND các cấp là 5 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND khoá đó đến kỳ họp thứ nhất của HĐND khoá sau.
Nhiệm kỳ của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND theo nhiệm kỳ của HĐND cùng cấp. Khi HĐND hết nhiệm kỳ, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tiếp tục làm việc cho đến khi HĐND khoá mới bầu ra Thường trực HĐND và các Ban HĐND mới.
Hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND và các Ban của HĐND và của các đại biểu HĐND.
Trong hoạt động của mình HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND phối hợp chặt chẽ với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, chăm lo và bảo vệ lợi ích của nhân dân, vận động nhân dân tham gia vào việc quản lý nhà nước và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Khi quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND ra nghị quyết và giám sát việc thực hiện các nghị quyết đó; những nghị quyết về các vấn đề mà pháp luật quy định thuộc quyền phê chuẩn của cấp trên thì trước khi thi hành phải được cấp trên phê chuẩn.
Kỳ họp HĐND:
HĐND thảo luận và ra nghị quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại các kỳ họp của HĐND. Nghị quyết của HĐND phải được quá nửa tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành, trừ trường hợp bãi nhiệm đại biểu HĐND được quy định tại điều 46 của Luật này. HĐND quyết định việc biểu quyết bằng cách giơ tay, bỏ phiếu kín hoặc bằng cách khác theo đề nghị của Chủ tọa phiên họp.
HĐND các cấp họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ. Ngoài kỳ họp thường lệ, HĐND tổ chức các kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc khi có ít nhất một phần 3 tổng số đại biểu HĐND cùng cấp yâu cầu. Thường trực HĐND quyết định triệu tập kỳ họp thường lệ của HĐND chậm nhất là 20 ngày, kỳ họp chuyên đề hay bất thường chậm nhất là mười ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
HĐND họp công khai. Khi cần thiết, HĐND quyết định họp kín theo đề nghị của Chủ tọa cuộc họp hoặc của Chủ tịch UBND cùng cấp