BÁO CÁO THAM LUẬN
Tại Hội thảo khoa học “Thúc đẩy Ứng dụng chuyển đổi số
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai"
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo!
Kính thưa quý vị đại biểu tham dự Hội thảo!
Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Nai đã mời UBND huyện Xuân Lộc đến tham dự buổi Hội thảo hôm nay. Xin được trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí tham dự Hội thảo lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Được sự gợi ý của Ban Tổ chức Hội thảo, thay mặt UBND huyện Xuân Lộc, tôi xin trình bày một số nội dung về “Chuyển đổi số: Thay đổi bắt đầu từ người đứng đầu".
Kính thưa quý vị đại biểu!
Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển. Trong đó, chính quyền số giúp hoạt động hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; kinh tế số giúp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tạo ra giá trị mới, tăng trưởng mới; xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội, các ngành lĩnh vực được tối ưu, thông minh hoá góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và “xoá bỏ" khoảng cách địa lý. Bên cạnh cơ hội cũng chỉ ra chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn do phải thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức và sự minh bạch hoá trong quản lý.
Để thực hiện thành công “Chuyển đổi số" đầu tiên cần phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, hiệu quả thiết thực, to lớn do chuyển đổi số mang lại; chuyển đổi số bắt đầu từ nhu cầu thiết thực của xã hội, từ bức thiết của công tác quản lý và từng bước minh bạch hoá thông tin trong tiến trình chuyển đối số.
Trên cơ sở đó, Đảng bộ, HĐND, UBND huyện Xuân Lộc đã ban hành Chương trình số 01/CTr-UBND ngày 29/10/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về Chương trình chuyển đổi số huyện Xuân Lộc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 28/11/2022 của UBND huyện về Triển khai thực hiện Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 05/8/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai và Kế hoạch số 117-KH/HU ngày 24/8/2022 của BCH Đảng bộ huyện Xuân Lộc về thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28/3/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;. Đến nay, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn huyện Xuân Lộc, bước đầu đạt được một số kết quả như sau:
+Công tác quán triệt, tuyên truyền về chuyển đổi số
UBND huyện đã quán triệt triển khai về chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt huyện và xã, thị trấn với hơn 250 người tham dự (do Huyện ủy và UBND huyện tổ chức: học tập Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, hội nghị triển khai đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn) và thông qua các cuộc họp giao ban hàng tháng về cải cách hành chính. Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao đã xây dựng chuyên mục tuyên truyền về chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh huyện và xã, thị trấn 14 phút/ngày (sáng 8 phút, chiều 8 phút) kết quả trong 9 tháng đầu năm đã tuyên truyền 60.480 phút (cấp huyện 3.780 phút; cấp xã 56.700 phút); đăng trên cổng thông tin điện tử huyện 30 tin, bài về chuyển đổi số.
Đồng thời, tuyên truyền các dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp, thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính tạo thuận lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Phối hợp các ngành thực hiện việc tạo nhóm Zalo tổ công nghệ số cộng đồng từ huyện đến 15 xã, thị trấn, ấp để phục vụ cho việc triển khai các tài liệu hướng dẫn đến người dân (mỗi xã, thị trấn có 01 kênh OA Zalo).
Ngoài ra, lãnh đạo và công chức cấp huyện, cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia các lớp Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số trên Nền tảng One Touch tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn do Bộ TTTT và Sở TTTT tổ chức. Qua lớp tập huấn, bồi dưỡng, cán bộ, công chức đã kịp thời nắm bắt những kiến thức về Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; kỹ năng làm việc trong môi trường số, an toàn thông tin trong chuyển đổi số. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với cách ngành chú trọng phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ hợp tác xã, cán bộ không chuyên trách, trưởng ban quản lý các ấp và các tổ trưởng tổ nhân dân để làm lực lượng nòng cốt tiếp tục là nguồn nhân lực tổ chức phổ biến kiến thức, kỹ năng số cho người dân như: kỹ năng truy nhập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân để người dân có ý thức chấp hành pháp luật, an tâm sử dụng mạng internet, mạng xã hội, thực hiện các thủ tục hành chính thường xuyên giao dịch điện tử trên không gian mạng, tham gia chính quyền điện tử, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, tích cực, hiệu quả.
+ Phát triển chính quyền số
Để đạt được kết quả, UBND huyện đã quan tâm thực hiện, triển khai các hệ thống thông tin, phục vụ công tác quản lý, điều hành của UBND huyện và các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đi vào hoạt động, ổn định hiệu quả, đồng thời các đơn vị đã chủ động, trang bị máy tính, xây dựng và mở rộng mạng máy tính cục bộ để thực hiện các ứng dụng CNTT phục vụ thiết thực cho công việc của ngành, lĩnh vực mình quản lý. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo điều hành được nhân rộng như: Công tác triển khai hộp thư điện tử (mail), phần mềm quản lý hồ sơ công việc (I-Office). Triển khai một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến tại huyện và 15 xã, thị trấn đưa vào vận hành chương trình phần mềm dịch vụ hành chính công một cửa điện tử, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ về đất đai, xây dựng và xử lý các hồ sơ về tư pháp… của các tổ chức và công dân một cách thuận tiện. Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử huyện đã bám sát sự chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện trong việc định hướng và phát triển nội dung thông tin trên Cổng thông tin điện tử huyện phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hoạt động của huyện, đồng thời là một công cụ thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại địa phương. Bên cạnh đó, Huyện đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông phủ sóng đến 92/92 khu, ấp được phủ sóng 100%, cụ thể: 236 trạm phát sóng 2G, 3G, 4G; 35 nhà trạm viễn thông; 47 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Theo thống kê đến nay huyện đạt 88,3% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh; có 59.061 hộ dân trên địa bàn huyện thu xem truyền hình vệ tinh, cáp số mặt đất, truyền hình qua mạng internet. Ngoài ra, để phục vụ wifi miễn phí cho người dân UBND huyện chỉ đạo 15/15 xã, thị trấn triển khai tại các điểm như: UBND xã, Trung tâm VHTT-HTCĐ, Nhà văn hóa ấp, trường học, điểm du lịch...
Tăng cường cá nhân, tập thể ứng dụng chứng thư số và hộp thư công vụ trong việc gửi nhận văn bản điện tử. Trong 9 tháng Cấp mới: 106 chứng thư số, thu hồi: 3 chữ ký số. Đề nghị Trung tâm CNTT tỉnh Đồng Nai cấp mới: 37 hộp thư công vụ, cấp lại mật khẩu: 6 hộp thư công vụ. Kết quả đến nay: 207 chứng thư số, 712 hộp thư công vụ. Hướng dẫn 15 xã, thị trấn thực hiện ký số trực tuyến thông qua 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông ngành tư pháp. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai số hóa đưa vào kho lưu trữ, kết quả đến nay 4810/22569 (đạt 21,3%) và cấp xã 8482/21377 (đạt 39,7%); 100% văn bản phát hành trao đổi trên môi trường mạng được ký số. Ngoài ra, triển khai các ứng dụng phần mềm trong công tác điều hành và phục vụ chuyên môn nghiệp vụ như: phần mềm kế toán Das, Quản lý CBCC ngành Nội vụ, Phần mềm Quản lý hộ tịch, Phần mềm quản lý Gia đình, trẻ em, Quản lý tài sản Misa, Phần mềm quản lý thông tin nạn nhân Chất độc da cam Dioxin, quản lý an sinh xã hội, Quản lý tài liệu lưu trữ người có công, Phần mềm điều tra thống kê,… Bên cạnh đó, Phối hợp với Công an rà soát việc khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thay cho sổ hộ khẩu.
+ Phát triển kinh tế số và Xã hội số
Huyện triển khai 100% doanh nghiệp, hộ cá thể áp dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, xây dựng Website cho doanh nghiệp, dịch vụ kê khai thuế điện tử, phần mềm kế toán - bán hàng ASME… đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện.
Phối hợp tổ chức lớp tập huấn kỹ năng quản trị gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai, cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách lĩnh vực thương mại dịch vụ cấp huyện, cấp xã, các Hội, Hiệp hội ngành nghề kinh doanh trên địa bàn huyện; Chủ thể sản phẩm OCOP, chủ thể sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu kinh doanh hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trên địa bàn huyện. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức, chuyên gia, hiệp hội ngành nghề triển khai tổ chức các hội thảo, hội nghị về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SMEs theo ngành, lĩnh vực, địa phương. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quan tâm có thể tham gia Chương trình, sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số tại địa chỉ https://smedx.vn. Triển khai đến người dân các dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình; sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó Huyện phối hợp đơn vị viễn thông trên địa bàn triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, tiểu thương, hộ kinh doanh, trung tâm mua sắm, các trường học, cơ sở y tế. Đồng thời, khuyến khích nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh.
Ngoài ra, triển khai sử dụng các nền tảng số theo hướng dẫn của các Sở, Ngành của tỉnh như: Trục liên thông tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai CĐS, Quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, Quản lý tiêm chủng, Quản lý Trạm y tế xã, Tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Tổng đài dịch vụ 1022, Phòng họp không giấy tờ, Nền tảng mở học đại trà...
Với những kết quả bước đầu trong triển khai chuyển đổi số là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhân lực về công nghệ thông tin; chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước còn mỏng, chưa đảm bảo trong việc triển khai chuyển đổi số; nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế… nhưng vẫn chưa ý thức được những gì đang diễn ra chính là biểu hiện của thực hiện chuyển đổi số và mình đã và đang làm gì ở đâu, trong quá trình chuyển đổi số.
Việc đầu tư thực hiện các dự án về chuyển đổi số nói chung, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số từ huyện đến cơ sở nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu về triển khai chuyển đổi số trên địa bàn huyện; Phần lớn các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm, tích cực, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025" đã xác định: Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.
Huyện Xuân Lộc thực hiện một số nội dung sau:
-Thứ nhất, tiếp tục chuyển đổi nhận thức (nhận thức số): Nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao.
=>Cụ thể:
+ Xây dựng triển khai các chuyên đề tuyên truyền cung cấp thông tin trên hệ thống truyền thanh, trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử huyện về các hoạt động cụ thể chuyển đổi số của huyện để phổ biến nhanh đến người dân doanh nghiệp; Tiếp tục ứng dụng nền tảng mở học đại trà để phổ cập kỹ năng số đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; duy trì và xây dựng mới các kênh giao tiếp với người dân doanh nghiệp thông qua nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook…nhằm thông tin đến người dân một cách nhanh chóng và nắm bắt thông tin phản ánh của người dân kịp thời.
+ Cử cán bộ lãnh đạo, CCVC tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyển đổi số do bộ, tỉnh tổ chức. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số, sử dụng chữ ký số chuyên dùng, an toàn thông tin cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện. Đào tạo phổ cập kiến thức kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho thanh niên trên địa bàn huyện và cho người dân khu vực nông thôn.
+ Huyện ban hành Kế hoạch hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Ngày chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai; Kế hoạch hưởng ứng và phổ biến Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số. Chia sẻ sáng kiến, cách làm hay, mô hình điển hình về chuyển đổi số của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân ở chính trên địa bàn để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng.
Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin trên địa bàn huyện Xuân Lộc theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An toàn thông tin và Trung tâm VNCERT/CC đến các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện biết, thực hiện áp dụng đối với các hệ thống thông tin tại cơ quan mình quản lý; Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục duy trì hoạt động đảm bảo an toàn thông tin như: trang bị phần mềm diệt virus, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin.
- Thứ hai, phát triển hạ tầng số, nền tảng số: Tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số
=>Cụ thể:
+ Tiến hành nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT, mạng máy tính của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin.
+ Tiếp tục triển khai phủ sóng mạng Wifi miễn phí tại các nơi công cộng, khu giải trí, điểm du lịch trên địa bàn huyện để phục vụ người dân truy cập sử dụng mạng Internet.
+ Thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh, sử dụng điện thoại thông minh cài đặt các ứng dụng nền tảng số để phục vụ các hoạt động hàng ngày như: thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thủ tục hành chính, kết nối tra cứu, phản ánh, tiếp nhận thông tin,…
+ Tiếp tục triển khai sử dụng các nền tảng số theo hướng dẫn của các Sở, Ngành của tỉnh như: Trục liên thông tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai CĐS, Quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, Quản lý tiêm chủng, Quản lý Trạm y tế xã, Tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Tổng đài dịch vụ 1022, Phòng họp không giấy tờ, Nền tảng mở học đại trà...
+Thứ ba, xây dựng, phát triển dữ liệu số: Triển khai kết nối liên thông dữ liệu từ các hệ thống, chuẩn hóa, tái cấu trúc cơ sở dữ liệu đang hoạt động thông qua các hệ thống, nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu của địa phương (LGSP), của quốc gia (NGSP)
=>Cụ thể:
Triển khai hoàn thành các mục tiêu về dữ liệu số của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số tại văn bản số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 về việc ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023.
+ Tiếp tục truy cập, cập nhật hoàn thiện cơ sở dữ liệu phần mềm cán bộ công chức ngành Nội vụ phục vụ công tác tra cứu thông tin, nghiệp vụ công tác cán bộ.
+ Triển khai số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, đưa vào lưu trữ trong kho dữ liệu số, phục vụ công tác tra cứu, tạo lập hồ sơ thủ tục hành chính.
+ Tiếp tục số hóa dữ liệu hộ tịch hộ tịch theo Quy trình số 1050/HTQTCT- QLHC ngày 09/11 /2022 và Quy trình 1292/HTQTCT-QLHC ngày 20/12/2022 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.
+ Đẩy mạnh triển khai thực hiện làm sạch dữ liệu của các ngành Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế; các lĩnh vực: đất đai, nhà ở; dữ liệu của các hội, đoàn thể…
- Thứ tư, phát triển ứng dụng số hóa (hoạt động số): Việc phát triển ứng dụng số - hoạt động số cần được quan tâm triển khai thực hiện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung ưu tiên cho phát triển các ứng dụng số hóa trong hoạt động của chính quyền để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn huyện.
=>Cụ thể:
+ Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của huyện và cấp xã.
+ Triển khai đánh giá việc thí điểm mô hình chuyển đổi số tại xã Bảo Hòa và đề xuất, triển khai mô hình thực tế tại các xã trên địa bàn huyện.
+ Tăng cường cấp chứng thư số cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị; UBND các xã, thị trấn và đẩy mạnh ứng dụng chứng thư số, chữ ký số trong hoạt động xác thực điện tử, ký số văn bản điện tử...
+ Tiếp tục thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ công tác chuyển đổi số như: Đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD và cấp tài khoản định danh điện tử, ứng dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia, sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp để đăng ký khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh, đăng ký lưu trú thông qua chức năng trên phần mềm VNeID.
+ Thực hiện xác định danh tính của người dân khi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính (không yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu).
+ Thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng bằng nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện.
Ngoài những vấn đề cơ bản nêu trên, để công cuộc chuyển đổi số thành công còn phụ thuộc vào các yếu tố: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số; xây dựng, hình thành văn hóa số… chuyển đổi số đang trở thành động lực lớn nhất tạo ra sự phát triển đột phá trên các mặt quản lý, kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số tạo ra sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện từ Chính phủ đến các địa phương, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, người dân và trong mọi lĩnh vực. Trên cơ sở nhận diện những vấn đề cơ bản, một số nhân tố chủ yếu tác động đến quá trình chuyển đối số. Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số phù hợp. Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy là người tư duy, lựa chọn định hướng, xác định mục tiêu, ra đề bài về chuyển đổi số và quan trọng hơn là luôn đồng hành trên hành trình chuyển đổi số.
Trên đây là báo cáo tham luận về “Chuyển đổi số: Thay đổi bắt đầu từ người đứng đầu". Xin chân thành cám ơn quý đại biểu đã lắng nghe và kính chúc qúy vị đại biểu được nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Trân trọng kính chào!