Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tài liệu tuyên truyền tiêm vắc xin phòng COVID-19

Tài liệu tuyên truyền tiêm vắc xin phòng COVID-19

(Đính kèm Công văn số 3703/SYT-NV ngày 24/5/2022 của Sở Y tế Đồng Nai)

TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 MŨI 4,

ĐỪNG ĐỂ MẤT CƠ HỘI ĐƯỢC BẢO VỆ LIÊN TỤC


Hiện dịch COVID-19 đã hạ nhiệt, số người nhiễm giảm sâu và không có tử vong. Cho thấy hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, thực tế này đang dẫn đến tình trạng nhiều người chủ quan, xem thường việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 và tỏ ra không mặn mà với việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4, điều này rất nguy hiểm, vì kháng thể trong người sẽ giảm dần theo thời gian, cơ thể sẽ mất khả năng miễn dịch, có thể mắc COVID-19 tái đi tái lại và sẽ bị nguy cơ cao nếu xuất hiện biến chủng mới có độc lực cao, gây bệnh cảnh nặng và có thể tử vong.

Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5. Đây là biến thể phụ của dòng Omicron. Biến thể BA.5 lần đầu được phát hiện tại Nam Phi vào tháng 1-2022. Qua các giai đoạn dịch bệnh, có thể thấy dịch trở nên nặng hơn với các biến thể lây lan nhanh kèm tăng nguy cơ nhập viện (như biến thể Delta), khi các chiến lược áp dụng trong các đợt dịch trước phát huy hiệu quả không cao như mong đợi.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định thế giới vẫn đang trong đại dịch. Đồng thời, cảnh báo biến chủng mới làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron hiện vẫn là biến thể phổ biến nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng. Vì thế, các quốc gia vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine, giám sát trọng điểm…

 

1. Hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19

- Vắc xin phòng COVID-19 đã chứng minh được hiệu quả trong việc bảo vệ cho người tiêm và cộng đồng. Bản thân người tiêm đủ liều vắc xin có thể không bị mắc COVID-19, nếu mắc thì có triệu chứng nhẹ và rất hiếm tử vong.

- Nhờ đạt được tỷ lệ tiêm vắc xin cao, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, giảm số ca mắc và tử vong.

 - Tuy nhiên, kháng thể từ việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian và cơ thể sẽ mất khả năng bảo vệ. Sau khi tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và mũi 2) thì khả năng bảo vệ là trên 80%, sau 3-6 tháng hiệu lực bảo vệ giảm dần, chỉ  còn 50% (nhất là với chủng Omicron). Nếu tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) kháng thể tăng lên được 70%, nhưng  lại giảm dần từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 xuống còn 30%. Do đó nếu không tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) thì khả năng bảo vệ cơ thể sẽ mất dần và trở về như người chưa tiêm, nếu xuất hiện chủng COVID-19 mới thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng và có thể tử vong.

2.  Khi bệnh SARS-CoV-2 vẫn đang diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện biến chủng mới có độc lực cao và lây lan nhanh thì vắc xin vẫn là lá chắn bảo vệ cần thiết cho mọi người

- Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hiện nay dịch bệnh giảm dần nhưng sẽ không kết thúc mà chuyển sang dạng bệnh lưu hành và có khả năng bùng phát thành dịch, cũng có thể quá trình biến đổi gene của vi rút sẽ xuất hiện chủng mới có động lực cao và khả năng lây lan nhanh hơn các chủng trước đây tạo thành đợt dịch lớn tiếp theo ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người dân.

- Ngoài ra, dù độc lực vi rút SARS-CoV-2 có giảm và nhiều người nhiễm thấy sức khỏe cũng bình thường, không triệu chứng nặng, nhưng những ảnh hưởng hậu COVID-19 là có và đang gây rất nhiều triệu chứng, hệ lụy khác nhau liên quan đến tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, cơ xương khớp, nội tiết và làm thay đổi tâm lý … Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 203 triệu chứng hậu COVID. Việc mắc COVID-19 tái đi tái lại sẽ để lại những di chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

- Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đã và đang khuyến cáo người dân tiêm mũi thứ 4, tiến dần đến việc tiêm chủng phòng COVID-19 hằng năm như cúm mùa.

3. Tiêm vắc xin phòng COVID-19 có bị ảnh hưởng đến sức khỏe, như gây ra tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản, giảm khả năng tình dục,…

- Hiện nay có tin đồn tiêm vắc xin phòng COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe, như gây ra tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản, giảm khả năng tình dục,… tuy nhiên đây là những thông tin không có căn cứ.

- Việc sử dụng vắc xin luôn được theo dõi nghiêm ngặt tính hiệu quả và các phản ứng không mong muốn, các tác dụng phụ. Các nghiên cứu đều cho thấy vắc xin phòng COVID-19 không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, khả năng tình dục và cũng không ghi nhận các tác dụng phụ như tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ.

- Ngược lại, những nghiên cứu về các ảnh hưởng của hậu COVID-19 thì đã được khẳng định, có 203 triệu chứng, trong đó có tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản, giảm khả năng tình dục, … Do đó, người dân không nên tin theo những lời truyền miệng không căn cứ để rồi mất cơ hội được bảo vệ liên tục khi từ chối tiêm vắc xin mũi 3 và mũi 4.

4. Trong đợt tiêm vắc xin mũi 4 này những đối tượng nào được tiêm, tiêm vắc xin gì?

- Thời gian qua, nhiều nước trên thế giới đã triển khai mũi tiêm thứ 4 vắc xin phòng COVID-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.

- Tại Việt Nam, Hội đồng Tư vấn sử dụng vắc xin (Bộ Y tế) đã thống nhất và yêu cầu các địa phương sử dụng vắc xin đã được phân bổ qua các đợt để triển khai tiêm mũi 4 cho các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3. Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3 sẽ hoãn tiêm 3 tháng sau khi mắc bệnh.

 - Việc người đã tiêm vắc xin, sau đó bị mắc COVID-19 và bị mắc đi mắc lại nhiều lần không phải là hiếm, do đó người mắc COVID-19 vẫn phải tiêm nhắc mũi vắc xin, lúc này khả năng bảo vệ chống tái nhiễm COVID-19 gần như là tuyệt đối.

- Tỉnh Đồng Nai chúng ta sẽ sử dụng vắc xin tiêm mũi 4 lần này là vắc xin mRNA (Pfizer hoặc Moderna).

5. Các công ty, xí nghiệp cần tổ chức và vận động công nhân, người lao động tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19

- Sức khỏe người lao động là vốn quý của công ty, xí nghiệp, nếu dịch bệnh xảy ra, nhiều người lao động phải nghỉ do bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất, hơn nữa tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng là tiêu chí để đánh giá an toàn sản xuất khi có dịch xảy ra.

- Vì vậy dù phải mất thời gian, ảnh hưởng đến một vài buổi lao động, các công ty, xí nghiệp cần vận động và tổ chức cho công nhân, người lao động tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 (mũi 4 và vét mũi 3). 

6. Phòng bệnh vẫn hơn

- Tục ngữ Việt Nam có câu: Phòng bệnh hơn trị bệnh, chúng ta không tiêm nhắc các mũi vắc xin thì kháng thể sẽ giảm dần và cơ thể mất khả năng tự bảo vệ. Nếu dịch COVID-19 xuất hiện với những chủng nguy hiểm có độc lực và lây lan cao như trước đây, chúng ta lại phải mất thời gian ít nhất 1 tháng để hoàn thành tiêm 2 mũi cơ bản và 14 ngày chờ vắc xin có hiệu lực thì cơ thể chúng ta mới mong được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh.

- ĐỂ ĐƯỢC BẢO VỆ LIÊN TỤC NGƯỜI DÂN CẦN NHANH CHÓNG TIÊM CÁC MŨI NHẮC VẮC XIN PHÒNG COVID-19 ĐÚNG QUY ĐỊNH./.

 

                             Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phối hợp Báo Đồng Nai thực hiện 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Xuân Lộc

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:
Chung nhan Tin Nhiem Mang

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN XUÂN LỘC

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Huỳnh Thị Lành-Phó Chủ tịch
Địa chỉ: số 267 - Đường Hùng Vương - Khu 1 - Thị trấn Gia Ray - Huyện Xuân Lộc - Tỉ​nh Đồng Nai 

ĐT: 02513.871113 - Fax: 02513.871286 
Website:http://xuanloc.dongnai.gov.vn         
Email: ubnd-xl@dongnai.gov.vn​